Tổng hợp kỹ thuật nuôi cá lóc miền bắc

Tổng hợp kỹ thuật nuôi cá lóc miền bắc

Tổng hợp kỹ thuật nuôi cá lóc miền bắc

Cá lóc đen Channa striata

I. Giới thiệu về cá lóc

Hiện nay, có 4 loài cá lóc được nuôi phổ biến: Cá lóc đen, cá lóc bông, cá lóc môi trề và cá lóc đầu nhím.

Cá lóc miền bắc được nuôi với nhiều hình thức khác nhau như: nuôi ao, nuôi trong mùng, vèo… do nghề nuôi chủ yếu tận dụng vào nguồn cá tạp đánh bắt ngoài tự nhiên nên mùa vụ nuôi thường tập trung vào mùa lũ, vèo nuôi cá thường đặt trên sông hoặc ven ruộng để nuôi. Tập trung ở một số xã như: Ba sao, Tân Hội Trung, Phong Mỹ, Phương Trà, Phương Thịnh, Mỹ Hội…. Cá lóc là đối tượng nuôi quan trọng và là nguồn thực phẩm tốt cho người dân.

II. Đặc điểm sinh học

Cá lóc miền bắc sống phổ biến ở đồng ruộng, kênh rạch, ao hồ, đầm, sông, thích nghi được cả với môi trường nước đục, tù, nước lợ, có thể chịu đựng được ở nhiệt độ trên 300C,  pH thích hợp 7- 8,5. Cá thích ở nơi có rong đuôi chó, cỏ, đám bèo, vì ở nơi đây cá dể ẩn mình rình mồi. Vào mùa hè cá thường hoạt động và bắt mồi ở tầng nước mặt. Mùa đông cá hoạt động ở tầng nước sâu hơn.

Cá lóc là loài cá dữ có kích thước tròn dài, ăn động vật điển hình

– Trong điều kiện nuôi chủ động với nguồn thức ăn cung cấp đầy đủ và chăm sóc tốt, cá lớn nhanh, sau chu kỳ nuôi 6 tháng cá có thể đạt trọng lượng dao động từ 0,8 – 1,2kg/con.

– Mùa vụ đẻ trứng từ tháng 4 – 7, rộ nhất tháng 4 – 5. Cá tròn 1 tuổi, thân dài 20cm nặng 130g đã thành thục đẻ trứng. Số lượng trứng tuỳ theo cơ thể to nhỏ mà thay đổi.

– Hiện nay, cá lóc có thể nuôi chính trong các mô hình nuôi như: Nuôi thâm canh trong ao đất, nuôi bè, mương vườn và đặc biệt là nuôi trong giai.

III. Kỹ thuật sinh sản của cá lóc

1. Sinh sản tự nhiên

Diện tích ao đẻ từ 150 – 200m2. Ðáy ao chia làm 2 phần: Phần sâu 1m, phần nông 0,3m. Trong ao nên trồng một ít cây thực vật thuỷ sinh như rong, bèo bờ ao đầm nện chặt và cứ để cho cỏ mọc tự nhiên. Xung quanh ao rào cao 40 – 50cm đề phòng cá phóng ra ngoài. Trên mặt ao bể có thể thiết kế khung tre ở một góc ao, bể và thả lục bình hoặc rong. Mật độ thả 1cặp/2m2. Sau đó tạo dòng nước chảy nhẹ hoặc phun mua nhân tạo để kích thích cá đẻ.

2. Sinh sản nhân tạo

Cá Lóc bố mẹ sau khi nuôi vỗ thành thục, có thể dùng hormone HCG hay não thùy thể cá chép để kích thích cá sinh sản. Thông thường liều dung cho cá lóc sinh sản hiệu quả là HCG với lượng dao động từ 2.000 – 3.000 UI/kg cá sinh sản.

3.Liều lượng dùng như sau:

– Não thùy cá: Liều sơ bộ 1 – 1.5mg/kg, liều quyết định: 6 – 8mg/kg, tiêm cách liều sơ bộ 8 – 12 giờ.

– HCG: liều sơ bộ 500UI/kg, liều quyết định 2.500UI/kg, tiêm cách liều sơ bộ 12 – 24 giờ.

– Có thể kết hợp tiêm não thùy và HCG như sau: liều sơ bộ 500UI/kg, liều quyết định: 1.200 – 1.500UI(HCG) + 3 – 4 mg não thùy.

Cá đực chỉ sử dụng liều lượng bằng 1/3 liều cá cái và chỉ tiêm một liều duy nhất. Tiêm xong ghép cá cái và đực vào bể đẻ và tiến hành kích nước liên tục cho đế khi cá đẻ.

4. Kỹ thuật ương cá lóc giống

a. Ương cá bột lên hương trong bể xi măng hoặc bể lót bạt

– Bể có diện tích 4 – 10m2, nước sâu 0.5 – 0.6m mật độ ương khoảng 1.000 – 1.500 con/m2. Tuần đầu tiên cho cá ăn trứng nước, sau đó cho ăn kèm trùng chỉ, từ ngày thứ 10 trở đi tập cho cá chuyển sang ăn cá tạp xay nhuyễn. Lượng cho ăn cần căn cứ vào sức ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp, không để thừa thức ăn sẽ làm cho môi trường dễ bị ô nhiễm.

– Thường xuyên kiểm tra vớt thức ăn thừa và những cá con bị chết, loại bỏ ngay những cá yếu và nhiễm bệnh, sau 15 – 20 ngày chuyển sang ương giai đặt trong ao.

b. Ương cá hương thành cá giống trong giai

Giai được đặt trong ao kích thước 2 – 4 m2. Mật độ 1.000con/m2 thức ăn là cá xay trộn thêm vitamin A, D, E, C. Chú ý tăng dần thức ăn theo mức độ ăn của cá.

Trong giai nhỏ thả một ít rau muống, bèo hay lục bình và che mát tránh nắng gắt cho cá. Nước ao định kỳ thay mới giữ cho môi trường sạch. 2 – 3 ngày vệ sinh cọ rửa giai một lần. Mỗi tuần kiểm tra cá lớn trội vượt đàn và loại bỏ cá yếu.

Sau 50 – 60 ngày ương trong giai, cá có thể đạt cỡ 15 – 17g/con và được chuyển sang nuôi thịt.

c. Ương cá Lóc trong ao đất:

Diện tích ao 300 – 500 m2, sâu 0,8 – 1m. Ao cần tẩy dọn sạch, bón lót phân gây màu nước trước khi ương để gây động vật phù du làm thức ăn ban đầu, mỗi tuần cần bón thúc 1 lần phân ủ mục. Mật độ ương từ 100 – 150 con/m2. Từ ngày thứ 20 trở đi cho cá ăn bằng cá tạp, tép băm nhỏ là chính. Cần cho cá ăn đều, no, đủ, cứ 10 – 15 ngày san thưa và lọc cá một lần.

IV. Nuôi cá lóc thương phẩm miền bắc

1. Công tác chuẩn bị

a. Loại hình nuôi ao

– Ao mới đào hoặc tận dụng ao có sẵn. Diện tích dao động từ 100 – 1.000 m2 là thích hợp. Ao có dạng hình chữ nhật để tiện cho việc kiểm soát và thu hoạch cá. Bờ ao phải cao để đảm bảo cá nuôi trong mùa lũ không bị thất thoát.

– Tát cạn ao, diệt tạp và cá dữ.

– Bón vôi với liều lượng 10 – 15 kg/100m2 để khử phèn và diệt các mầm bệnh.

– Phơi ao 2 – 3 ngày sau đó cấp nước vào ao đạt độ sâu 1,5 – 2,0m rồi mới tiến hành thả cá.

– Vì là loài cá dữ chuyên bắt mồi sống nên giai đoạn nuôi thịt không cần bón phân gây màu nước.

b. Nuôi cá lóc trong vèo (mùng lưới đặt trong ao)

– Kích thước mùng lưới đặt trong ao phổ biến là: 5 x 3 x 2m có khả năng nuôi từ 6.000 – 8.000 con hoặc nuôi trong vèo 9 x 5 x 2m có thể nuôi từ 5.000 – 7.000 con. Tùy theo điều kiện của từng hộ nuôi mà ta chọn kích thước vèo (mùng).

+ Cách chọn lưới may mùng là loại lưới cước được dệt có sợi chỉ lớn bằng nilon, ít thấm nước và có độ chắc cao. Thông thường người nuôi chọn lưới sợi lớn 3,6 ly, kích thước lỗ lưới 2,5cm.

+ Cách đặt vèo (mùng): Khoảng cách từ mặt nước trở lên cao 1 – 1,5m, khoảng cách từ đáy lưới đến đáy ao là 0,5m không nên để sát đáy ao vì thức ăn dư thừa và chất thải sẽ tích tụ sinh ra ô nhiễm.

2. Thời gian và mùa vụ nuôi

Ta có thể nuôi quanh năm nếu có thể chủ động được nguồn thức ăn.

– Vụ 1: tháng 4 – 5 âm lịch và thu hoạch vào tháng 8 – 9 là do nhiệt độ dịu mát, có nguồn thức ăn dồi dào, cá lớn nhanh nhờ nguồn thức ăn rẻ và dễ tìm.

– Vụ 2: Bắt đầu từ tháng 8 – 9, thu hoạch vào tháng 12 và tháng Giêng. Giai đoạn này có nhiều nguồn thức ăn từ nguồn phụ phẩm thủy sản tự nhiên.

– Vụ 3: Bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 7, nên hạn chế nuôi ở vụ này vì thời gian này cá chậm lớn, thức ăn cho cá hiếm và đắt, người nuôi không có lãi.

3. Chọn cá giống: Nên chọn cá khỏe, có kích thước đồng đều, cơ thể không bị xây xát, không bị dị tật hay nhiễm bệnh.

4. Mật độ thả

– Đối với hình thức nuôi ao: 20 – 35 con/m2.

– Đối với hình thức nuôi bè: 80 – 150 con/m2.

– Đối với hình thức nuôi mùng (vèo) đặt trong ao: 80 – 100 con/m3.

5. Chăm sóc và quản lý

a. Chăm sóc

Cá lóc miền bắc là loài ăn động vật thành phần thức ăn bao gồm nhiều loài động vật tươi sống như: cá tạp, tép, ếch, nhái, cua, ốc…Trong quá trình nuôi có thể tập luyện cá giống quen dần với thức ăn chế biến từ các nguồn nguyên liệu địa phương như cá tạp, tấm, cám, bắp và Vitamin C…

– Cách cho ăn: Thông thường ở thời điểm đầu thả giống do kích thước cá còn nhỏ nên thức ăn cần được xay nhuyễn.

– Dụng cụ cho cá ăn là sàn tre đan lưới hơi thưa và nhẵn được đặt xăm xắp nước, chung quanh sàn có gờ chắn để thức ăn không bị tuột trôi ra ngoài, đồng thời cũng giúp cá ăn từ dước lên trên mặt sàn.

– Khẩu phần cho ăn: Được định lượng cho phù hợp với các nhu cầu dinh dưỡng và tình hình sức khỏe ở các giai đoạn phát triển của cá, có thể tóm tắt theo bảng sau:

Kích cở cá giống (g/con)

Khẩu phần thức ăn (%)

10 – 20

8 – 10

20 – 30

5 – 8

30 – 50

5 – 8

50 – 100

5 – 8

>100

5

– Thời gian cho cá ăn: Sáng từ 7 – 8 giờ, chiều từ 4 – 5 giờ.

Ø    Hiện nay có thức ăn viên chuyên dùng cho cá lóc, hệ số thức ăn dao động 1,2 – 1,3.

b. Quản lý hệ thống nuôi

– Thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình nuôi và hoạt động của cá. Theo dõi sự biến động chất lượng nước trong ao nuôi, cần giữ nước sạch, định kỳ 2 – 3 tuần thay nước một lần.

– Định kỳ bón vôi ổn định pH nước 2 – 3 kg/100 m3 nước.

– Định kỳ bổ sung vitamin C và khoáng chất.

– Đối với bè nuôi phải thường xuông treo giỏ thuốc (dây lác, lá xoan hoặc vôi bột…), treo đầu bè.

6. Thu hoạch cá lóc

– Thời gian nuôi ít nhất là 6 tháng, thông thường là 6 – 8 tháng.

– Trước khi thu hoạch 2 – 3 ngày không nên cho cá ăn để hạn chế cá bị chết trong quá trình vận chuyển.

V. Phòng và trị một số bệnh thường gặp

1. Bệnh trùng bánh xe

         a. Triệu chứng: Khi cá bị mắc bệnh thường bơi lội lung tung, nổi từng đàn lên mặt nước, một số con tách đàn bơi quanh bờ, da cá chuyển màu xám. Trùng phá hủy các tơ mang khiến cá bị ngạt thở bơi lội lung tung không định hướng.

         b. Trị bệnh: Tắm nước muối 2 – 3% trong thời gian 5 – 15 phút; Dùng sulphat đồng tắm với nồng độ 3 – 5 g/m3 trong thời gian 5 – 15 phút hoặc phun xuống ao với nồng độ 0,5 – 0,7 g/m3; Dùng formalin tắm với nồng độ 200 – 250 ml/m3 thời gian 30 – 60 phút hoặc phun xuống ao 20 – 25ml/m3.

Nếu dùng formalin phải chú ý theo dõi tình trạng của cá trong ao. Cần sục khí trong suốt thời gian xử lý.

2. Bệnh Trùng quả dưa

           a. Triệu chứng: Cá bị bệnh thường nổi đầu, bơi lờ đờ, quẫy mạnh hoặc cọ mình vào cây cỏ thuỷ sinh. Da mang cá bị bệnh tiết nhiều dịch nhầy và có màu sắc nhợt nhạt. Có thể thấy rõ bằng mắt thường cho nên bệnh này thường được gọi là bệnh đốm trắng trên cá.

           b. Trị bệnh: Dùng formalin nồng độ 200 – 250 ml/m3 tắm trong 15-30 phút có sục khí, phun với nồng độ 20 – 25 ml/m3 mỗi tuần 2 lần.

3. Bệnh sán lá đơn chủ

a. Triệu chứng: Cá bị bệnh có dấu hiệu bơi bất thường, mang có hiện tượng sưng, phù nề, cá nổi đầu và bơi lội chậm chạp, cơ thể gầy yếu chết từ rải rác đến hàng loạt ở cá hương cá giống.

b. Trị bệnh: Dùng thuốc tím tắm với nồng độ 20 g/m3 trong thời gian 15 – 30 phút; Dùng muối tắm với nồng độ 2 – 3 % trong thời gian 5 phút; Dùng formalin nồng độ 200 – 250 ml/m3trong thời gian 30 – 60 phút có sục khí hoặc nồng độ 20 – 25ml/m3 trong trường hợp phun.

4. Bệnh trùng mỏ neo

           a. Triệu chứng: Cá bơi không bình thường, khả năng bắt mồi giảm dần, gầy yếu, dị hình cong đuôi, trên thân có các vết đỏ nhỏ. Khi ký sinh phần đầu của trùng cắm sâu vào trong tổ chức cơ của ký chủ, phần thân lơ lửng trong nước. Cá bố mẹ bị nhiễm trùng mỏ neo với số lượng nhiều, tuyến sinh dục sẽ không phát triển được.

b. Trị bệnh: Thay nước mới kết hợp với bón nước vôi bột hòa tan liều lượng 2 kg/100 m3; Dùng lá xoan 0,4 – 0,5 kg/m3nước ngâm xuống ao cá bị bệnh; Dùng thuốc tím nồng độ 10 – 12 g/m3 tắm từ 1 – 2 giờ.

5. Bệnh rận cá

a. Dấu hiệu: Chúng ký sinh bám trên da cá, hút máu cá đồng thời phá hủy da cá, làm viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm ký sinh trùng khác xâm nhập và gây bệnh cho cá nuôi.

          b. Phòng trị bệnh: Khi cá nhiễm bệnh, dùng thuốc tím với nồng độ 10 g/m3 tắm hoặc ngâm trong 1 giờ.

6. Bệnh do nấm thủy mi

a. Dấu hiệu: Trên thân cá có những túm bông màu trắng đục như bông gòn.

b. Trị bệnh: Thay 1/3 – 2/3 lượng nước trong ao.

+ Tắm nước muối  2 – 3% trong thời gian 10 – 15 phút hoặc 1 – 2 không giới hạn thời gian.

+ Tắm bằng thuốc tím 10 g/m3 trong thời gian 15 phút.

7. Bệnh trắng da

          a. Triệu chứng bệnh: Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát hoặc bị sốc do đánh bắt, vận chuyển hoặc do nhiệt độ môi trường nước thay đổi đột ngột. Khi nhiễm bệnh, cá có biểu hiện bơi lội lờ đờ và bỏ ăn. Nếu bệnh nặng, trên cơ thể cá xuất hiện những vệt trắng và những vết thương, có nấm phát triển.

b. Phòng và trị bệnh: Cần duy trì chất lượng nước tốt và định kỳ bón vôi với liều lượng 2 – 4 kg/100m3 nước. Cần điều trị bệnh kịp thời khi cá mới chớm bệnh. Dùng formol với liều lượng 25 ml/m3 nước. Sau 24 giờ, thay 50% nước mới vào ao. Trộn thuốc kháng sinh Oxytetracycline 5 gam/100 kg cá hoặc Sulfadimezin 5 gam + Oxytetracycline 2 gam/100 kg cá. Cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày.

8. Bệnh đốm đỏ, xuất huyết

a. Dấu hiệu: Cá bị xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, chung quanh miệng và nắp mang, phía mặt bụng của cá. Cá yếu, bỏ ăn, bơi lờ đò. có thể gây chết đến 70 – 80%.

          b. Trị bệnh: Thay nước 2 ngày /lần, thay 1/3 – 2/3 lượng nước trong ao nuôi; Tắm thuốc tím 3 – 5g/m3; Dùng Oxytetracyline 55 mg/kg cá/ngày; nhóm Sulphamid 150 – 200 mg/kg cá/ngày; Vitamin C 20 – 30 mg/kg cá/ngày; trộn vào thức ăn cho ăn liên tục 7 – 10 ngày.

9. Cá lóc bị nỗ mắt toàn thân bi ghẻ

a. Dấu hiệu bệnh lý: Cá bệnh bị sẫm màu từng vùng ở bụng. Xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể. Hoại tử đuôi, vây, xuất hiện các vết thương trên lưng, các khối u trên bề mặt cơ thể, vảy dễ rơi rụng. Mắt lồi, mờ đục và phù ra.

         b. Phòng trị

+ Tránh làm xây xát cá, vệ sinh không đúng qui định, môi trường nuôi nhiễm bẩn, mật độ nuôi quá dày, hàm lượng ôxy thấp.

+ Dùng thuốc tím tắm cá 4 g/ m3 nước đối với cá nuôi ao và 10g/ m3 nước đối với cá nuôi bè. Xử lý lập lại sau 3 ngày, định kỳ tắm cá một tuần/lần tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe cá.

+ Oxytetracyline 55 – 77 mg/kg cá nuôi, cho ăn 7 – 10 ngày; Enrofloxacin 20 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 7 – 10 ngày; Streptomycin: 50 – 75 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 5 – 7 ngày; Nhóm Sulfamid: 100 – 200 mg/kg, cho ăn 10 – 20 ngày./.

Chúc các bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *